Những kiến trúc cổ xinh đẹp ở Cần Đước

Cách thị xã Tân An (Long An) chừng 30 cây số, huyện Cần Đước từ lâu được biết đến nhờ đặc sản gạo Nàng Thơm thơm ngon. Với dân du lịch thích khám phá, Cần Đước là điểm “phải đến” vì huyện còn nhiều tòa nhà cổ mang phong cách đặc trưng cho kiến trúc Nam Bộ thời cuối thế kỷ XIX như đình Vạn Phước, chùa Phước Lâm, nhà Trăm Cột của ông Hội đồng Trần Văn Hoa…

 

Những kiến trúc cổ xinh đẹp ở Cần Đước

Là nơi có phong cảnh pha trộn giữa vẻ đẹp của Đồng bằng sông Cửu Long với nét duyên miền Đông Nam Bộ, Cần Đước phù hợp cho những chuyến ngoạn cảnh đổi gió đi về trong ngày. Từ Tân An, chúng tôi theo quốc lộ 1 và tỉnh lộ 826 đến thị trấn Cần Đước rồi đi thêm 1,5km về phía Nam là tới chùa Phước Lâm, ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân.

Cổng vào chùa Phước Lâm rực rỡ với giàn hoa giấy đỏ

Cổng vào chùa Phước Lâm rực rỡ với giàn hoa giấy đỏ

Chùa được xây dựng từ năm 1880 và mất mười năm để ông Bùi Văn Minh, người bỏ tiền xây dựng tạo nên một ngôi chùa lớn, khang trang, hệ thống kèo, cột toàn bằng gỗ quý. Công cuộc xây dựng chùa được đảm trách bởi những cánh thợ nổi tiếng thời bấy giờ. Riêng phần trang trí nội thất, những bao lam, hoành phi, câu đối và các họa tiết điêu khắc đều được thực hiện bởi những nghệ nhân chạm gỗ hàng đầu. Hệ thống tượng trong chùa cũng rất phong phú với gần 100 tượng, trong đó có 34 tượng gỗ từ thế kỷ XIX; 55 tượng bằng đồng và xi măng.

Nhà trăm cột tuổi đời hơn một thế kỷ

Nhà trăm cột tuổi đời hơn một thế kỷ

Chùa được xây dựng bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói đại tiểu và ngói móc. Nền chùa cao nửa mét rất vững chắc vì được xây dựng bằng đá xanh, bên trong lát gạch tàu hình lục giác kết dính bằng vữa tam hợp. Nhìn trên tổng thể, nếu còn nguyên như thuở ban đầu thì chùa bao gồm Chánh điện – Tổ đường và Đông lang, Tây lang. Do sự tàn phá của chiến tranh, Tây lang đã bị sụp đổ hoàn toàn, một phần của Đông lang còn lại được dùng làm nhà trù của chùa.

Một góc sân chùa tĩnh mịch

Một góc sân chùa tĩnh mịch

Một góc nhà cổ

Một góc nhà cổ

Vì thế, kiến trúc chính của chùa Phước Lâm hiện chỉ còn hai lớp nhà là Chánh điện và Tổ đường. Cổng tam quan có lối kiến trúc trang nhã, đơn sơ nhưng đẹp và cổ kính, cổng được xây dựng bằng gạch và vữa tam hợp, trên lợp ngói âm dương, cao 3,8m. Hai bên cổng có đặt hai con sư tử trông rất oai nghiêm. Lối ra vào cổng được xây cuốn phía trên có đắp nổi hoa văn.

Cách chùa không xa là di tích quốc gia nhà trăm cột ở xã Long Hựu Đông. Ngôi nhà này có đến 120 cây cột bằng gỗ quý. Nhà có ba gian, hai chái đôi với diện tích 822m² trong một khu vườn rộng 4.886m². Ngôi nhà và các vật dụng bàn, ghế, đĩa đựng hoa quả, đồ trang trí đều được làm hoàn toàn bằng gỗ quý như cẩm lai, mun, thao lao, gõ đỏ. Mái ngói được làm bằng ngói âm dương và nền nhà được lát gạch lục giáp. Ngôi nhà này do 15 nghệ nhân từ Huế vào xây dựng từ 1898 đến 1903, trong đó xây dựng hai năm và chạm trổ mất ba năm.

 Trong vườn chùa

Trong vườn chùa

Theo các nhà nghiên cứu, nhà trăm cột là một công trình kiến trúc điêu khắc cổ mang đậm phong cách Huế ở Long An. Do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét đổi khác trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng. Chủ nhân ngôi nhà hiện nay là bà Trần Thị Ngõ, con dâu ông Hội đồng Trần Văn Hoa – người đã xây dựng nhà trăm cột.

Bên trong ngôi nhà cổ toàn gỗ quý

Bên trong ngôi nhà cổ toàn gỗ quý

Theo bà Trần Thị Ngõ, nét kiến trúc nhà rường và cung đình Huế thể hiện rõ trên các chi tiết trang trí ở các đầu cột, chồng rường, con tiện với mô-típ long, lân, quy, phụng. Vì tình yêu mảnh đất phương Nam mà chủ nhân đã yêu cầu nhóm thợ chạm khắc phải thể hiện cả những loại hoa trái địa phương trên các mảng gỗ trang trí như trái mãng cầu, bình bát, khế, măng cụt… Về kỹ thuật chạm khắc, nhà trăm cột là một tập hợp phong phú các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi với thủ pháp điêu luyện…

St.

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục:

Bình luận (0)

Viết Bình luận